Gánh nặng nợ xấu có ảnh hưởng lên khả năng phục hồi kinh tế?

Theo nguồn tin từ vietstock

Sau năm năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, cùng với những giải pháp đột phá của Nghị quyết 42, giúp tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế liên tục giảm, thì giờ đây vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng vọt trở lại lên mức cách đây bốn năm.

Gánh nặng nợ xấu có ảnh hưởng lên khả năng phục hồi kinh tế?

Những con số biết nói

Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) ngày 29-9-2021, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1-7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN.

Như vậy, sau năm năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), cùng với những giải pháp đột phá của Nghị quyết 42, giúp tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế liên tục giảm, thì giờ đây vì ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng vọt trở lại lên mức cách đây bốn năm. Cụ thể, theo thống kê của NHNN, nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì năm 2016 tỷ lệ nợ xấu là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.

Nếu như các doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng được ngân hàng nhanh chóng cơ cấu lại nợ vay, thì với khách hàng cá nhân vay vốn – dù không ít người cũng bị ảnh hưởng và giảm hoặc mất thu nhập, nhưng gần đây mới được bắt đầu xem xét cơ cấu nợ. Nói cách khác, trong số dư nợ tái cơ cấu hiện nay của các ngân hàng, phần lớn là dư nợ của khách hàng doanh nghiệp, do đó con số này có khả năng sẽ còn tăng khi các khoản vay khách hàng cá nhân bắt đầu trở nên rủi ro hơn và buộc phải tái cơ cấu.

Hệ quả gánh nặng nợ

Giả định tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể đạt mức 12% (tính đến ngày 20-9 đã đạt 7,17%), xấp xỉ năm 2020 và cũng bằng với số dự báo của nhiều tổ chức, khi đó dư nợ cuối năm nay có thể ở mức gần 10,3 triệu tỉ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu dự báo 8%, con số nợ xấu tuyệt đối sẽ ở mức 824.000 tỉ đồng. Nếu so với quy mô vốn điều lệ hiện nay, cũng như so với lợi nhuận tạo ra trong một năm của các ngân hàng thương mại, số nợ xấu trên là khá lớn. Dĩ nhiên, trong số nợ xấu này vẫn có một lượng tài sản bảo đảm nhất định cho các ngân hàng.

Trước tình thế này và nguy cơ nợ xấu gia tăng, các ngân hàng có thể có các phương án: Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ khách hàng được xác định gặp khó khăn thật sự thông qua các biện pháp tái cơ cấu và giảm thêm lãi suất cho vay. Và thứ hai, đối với những khoản nợ tốt hiện hữu, các ngân hàng sẽ ít có động lực giảm lãi suất cho vay, để có thể bù đắp lại những thiệt hại vì nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đang gia tăng.

Đáng lo ngại hơn là một khi khoản vay đã bị chuyển thành nợ xấu, các doanh nghiệp rõ ràng sẽ khó có thể tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng, nếu không có một chính sách hỗ trợ thiết thực hay những quy định hiện nay được điều chỉnh, thay đổi linh hoạt hơn. Ngoài ra, môi trường đầy rủi ro cũng sẽ khiến không ít ngân hàng buộc phải thắt chặt các điều kiện cho vay.

Trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, phần mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD tiếp tục xác định công cuộc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đưa nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3% và từng bước phát triển thị trường mua bán nợ.