Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng.

Nguồn vietnamplush.
Một trong những yếu tố chính khiến các tổ chức tín dụng của Việt Nam đạt mức lợi nhuận cao là từ dịch vụ bán lẻ và kiểm soát tốt chi phí dự phòng.

Khác với mọi năm tín dụng thường tăng chậm vào đầu năm, năm 2022 nhu cầu vay vốn để phục hồi kinh tế đã giúp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu vì vậy lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng đã tăng bình quân khoảng 25%-27% so với cùng kỳ.

Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng.

Có ngân hàng tăng gấp 3 lần

Tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa diễn ra, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc cho biết trong quý 1, lợi nhuận hợp nhất của ACB khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Điển hình, tín dụng tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 27% tại thời điểm cuối quý 1.

Còn bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa báo cáo ước tính kết quả kinh doanh của 13 ngân hàng trên sàn.

Theo đó, có 12/13 ngân hàng được dự báo kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương bao gồm: ACB, BIDV, HDBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank. Duy nhất VietinBank là ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm do so sánh cùng với nền cao của quý 1/2021.

[Kinh tế dần hồi phục, ngân hàng đặt lợi nhuận ‘khủng’ năm 2022]

Trong số các ngân hàng này, VPBank được dự báo là quán quân quý 1 với lợi nhuận trước thuế khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái (4.000 tỷ đồng). Sự tăng trưởng lợi nhuận này nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) với AIA. Thêm vào đó, ngân hàng cũng có sự tăng trưởng tốt tại bảng cân đối kế toán (tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 7% và 12% so với cùng kỳ năm 2021).

Tiếp đến, Vietcombank với lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 9.500-10.000 tỷ đồng, tăng 10%-16% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng của Vietcombank duy trì mạnh mẽ trong quý (tăng 6%-7%).

“Mặc dù tăng trưởng tín dụng và huy động ước tính ở mức cao 7% và 5% tại thời điểm cuối tháng Ba, chúng tôi cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có thể sẽ thấp hơn cùng kỳ do mức so sánh cao trong quý 1/2021 (8.000 tỷ đồng). Chúng tôi cũng cho rằng phí trả trước từ bancassurance với Manulife có thể chưa được ghi nhận trong quý 1/2022,” SSI Research đánh giá.

Một số ngân hàng khác có mức tăng khá như Techcombank cũng được dự báo đạt 6.500-6.700 tỷ đồng, tăng 18%-21% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm. MB đạt khoảng 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 10-11% so với đầu năm. BIDV cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 4.200 tỷ đồng, tăng 23,7%.

Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, trong nhóm ngân hàng tầm trung SHB dẫn đầu nhóm ngân hàng tầm trung tăng 92%, đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm.

Sacombank cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 1 với mức tăng 40%-50% so với cùng kỳ (có thể đạt 1.400-1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), chủ yếu nhờ thu nhập hoạt động mạnh mẽ và kiểm soát tốt chi phí dự phòng.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm SSI Research cho biết tăng trưởng tín dụng trong quý 1 cao so với cùng kỳ năm 2021 do các ngân hàng đều duy trì được biên lợi nhuận ổn định cũng như xử lý nợ xấu diễn ra khá tốt. Theo ước tính của SSI, tăng trưởng lợi nhuận quý 1 có thể đạt 26%, đây là con số tượng đối cao.

Đa dạng hóa nguồn thu

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính từ đầu năm đến hết 31/3, tín dụng tăng 5,04%. Nếu so với mức tăng 2,16% của quý 1/2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan.

“Tốc độ tăng tín dụng cao gấp 2,3 lần năm ngoái chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tích cực, các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả. Dịch bệnh đã giảm bớt và các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất kinh doanh, người dân cũng đang trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn lúc này tăng khá cao,” Phó Thống đốc nhận định.