Tăng doanh số nhờ thẻ tín dụng.

Nguồn tuổi trẻ

TTO – Thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen của nhiều người dân trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là trong giới kinh doanh.

Không chỉ là phương tiện thanh toán, thẻ tín dụng đang trở thành công cụ quan trọng đối với nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong việc quản lý tài chính, tăng sức mạnh dòng tiền nhờ được miễn lãi vay gần 2 tháng cùng nhiều chương trình khuyến mãi khác.

Thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen của nhiều người dân trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là trong giới kinh doanh.

Tăng sức mạnh dòng tiền kinh doanh

Dù cho rằng tiền mặt có thể vẫn còn thông dụng, nhưng ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy – chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử FPT Polytechnic – cho biết việc thanh toán phí quảng cáo tại các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube… đều bắt buộc trả thông qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc qua các ví điện tử như Momo, VNPAY…

“Việc quản lý dòng tiền đối với doanh nghiệp rất quan trọng. Trả bằng tiền mặt rất khó kiểm soát. Trong khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví điện tử… đều có thông báo, sao kê rõ ràng. Dựa vào số liệu sao kê mà có thể điều tiết tăng giảm tiền quảng cáo phù hợp, tránh lãng phí và thua lỗ”, ông Huy nói.

Trong trường hợp cấp bách, không có nhiều tiền mặt, thẻ tín dụng cũng trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều người vì có tính năng thanh toán trước – trả tiền sau, miễn lãi vay gần 2 tháng.

“Nhiều khi bỏ ra số tiền vài trăm triệu đồng để chạy quảng cáo thì doanh nghiệp xoay không kịp, họ phải dùng thẻ tín dụng trước rồi trả sau, cách làm này rất có lợi trong những lúc khó khăn”, ông Huy cho hay.

Cũng chạy quảng cáo trên Facebook để bán quần áo nữ, chị Nguyễn Thị Minh Vy (TP.HCM) cho biết đang dùng thẻ tín dụng Sacombank Visa, kỳ vọng sớm nâng hạn mức lên trên 200 triệu đồng.

“Mình dùng thẻ thanh toán tiền quảng cáo, rồi tính toán trả lại trong vòng 55 ngày để được miễn lãi. Mình chưa bao giờ nộp vào trễ, để tránh ảnh hưởng đến điểm tín dụng, cố gắng tăng uy tín để sớm được nâng lên hạn mức tín dụng cao hơn”, chị Vy nói.

Làm trong lĩnh vực du lịch, anh Trần Thanh Hưng (TP.HCM) cho biết thẻ tín dụng là công cụ không thể thiếu và cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp.

Theo đó, anh Hưng thường dùng thẻ tín dụng để quẹt lúc thanh toán tiền phòng khách sạn, thuê địa điểm tổ chức chương trình, mua máy móc/thiết bị/dụng cụ, mua phần mềm, mua vé máy bay…

“Tất cả các hạng mục nào có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng tôi đều tận dụng tối đa. Ngoài dùng thẻ tín dụng, ai có thể cho mình vay cả trăm triệu đồng mà miễn lãi gần 2 tháng liền? Dùng thẻ này giúp doanh nghiệp giữ lại tiền mặt để xoay xở.

Có hôm khách muốn mua vàng và xe máy để làm quà tặng trong chương trình bốc thăm trúng thưởng, tôi chấp nhận đi xa hơn để tới được cửa hàng có cho quẹt thẻ tín dụng“, anh Hưng cho biết.

Ngoài ra, trên thị trường cũng xuất hiện dòng thẻ tín dụng nội địa mới, tích hợp tính năng kép (thẻ ghi nợ và tín dụng) trên cùng một chip, do Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp các tổ chức phát hành.

Theo đó, ngoài việc cho phép chủ thẻ nhận lương qua thẻ, tài khoản, thanh toán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán trực tuyến, chuyển tiền nhanh Napas247, rút tiền mặt qua ATM…, chủ thẻ có thể sử dụng như thẻ tín dụng nội địa để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán trực tuyến, mua sắm trả góp

Tăng doanh số nhờ thẻ tín dụng.

Nhiều đặc quyền cho doanh nghiệp

Bên cạnh dòng thẻ cho cá nhân, nhiều ngân hàng cũng phát hành loại thẻ tín dụng dành riêng cho nhóm khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp.

Dựa vào hạn mức tín dụng thẻ được cấp, doanh nghiệp sẽ ủy quyền cho một số cá nhân sử dụng thẻ vào các mục đích chi tiêu hoạt động của doanh nghiệp.

So với các hình thức cấp tín dụng khác, thẻ tín dụng doanh nghiệp có nhiều ưu thế giúp doanh nghiệp chủ động hơn, mỗi lần quẹt thẻ là một lần giải ngân, không cần xuất trình chứng từ với ngân hàng.

Trong khi với hình thức vay và giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ giải ngân hoặc hồ sơ tạm ứng.

Ngoài lợi thế có thể tiết kiệm thời gian huy động tiền mặt, tách bạch chi tiêu cá nhân và doanh nghiệp, không cần tạm ứng công tác phí cho nhân viên, giảm thiểu rủi ro khi mang tiền mặt đi công tác, không phải đổi ngoại tệ khi công tác ở nước ngoài…, dùng thẻ tín dụng doanh nghiệp còn được nhiều ưu đãi từ ngân hàng, tổ chức thẻ và đối tác.

Chẳng hạn, thẻ tín dụng doanh nghiệp Vietcombank Visa Business áp dụng tính năng hoàn tiền với tỉ lê 0,4% doanh số chi tiêu thẻ, doanh nghiệp được tích lũy tiền hoàn không giới hạn trên mọi giao dịch thẻ của mình.

Doanh nghiệp còn được tiếp cận hàng loạt ưu đãi cho dịch vụ marketing, quảng cáo trực tuyến, các dịch vụ và phần mềm vận hành doanh nghiệp từ các nhà cung cấp uy tín trên toàn cầu theo chương trình ưu đãi của Visa dành cho chủ thẻ doanh nghiệp trong từng thời kỳ.

Ngoài các tính năng và tiện ích của thẻ thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng dành cho doanh nghiệp MB Visa Commerce của MBBank còn cho phép khách hàng được hưởng hàng loạt các ưu đãi của MB trong chương trình Get & More với các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, mua sắm, ẩm thực, du lịch… cùng nhiều chương trình khuyến mại khác. Hạn mức chi tiêu tối đa của thẻ lên tới 5 tỉ đồng/ngày, tùy vào hạn thẻ Classic, Gold hay Platinum.

Không chỉ cấp hạn mức thẻ tín dụng dành cho doanh nghiệp lên đến 5 tỉ đồng, mua trước – trả sau tận hưởng ưu đãi miễn lãi lên đến 55 ngày, thẻ tín dụng doanh nghiệp mở tại Sacombank còn có nhiều ưu đãi đặc quyền như được tặng gói bảo hiểm du lịch toàn cầu với giá trị bồi thường lên tới 11,6 tỉ đồng, ưu đãi khi sử dụng dịch vụ của các đối tác liên kết thuộc các ngành truyền thông – quảng cáo, giải pháp văn phòng, ứng dụng công nghệ số, đào tạo – kết nối, vận chuyển – đi lại, doanh nhân – đời sống.

Trong đó có một số đối tác tiêu biểu như Nguyễn Kim, Sapo, Pixlr, FPT eCovax, Phong Vũ, Dropbox…